[ HUMAN OF SET ]
Với tài năng, niềm đam mê bất tận với những nghiên cứu công nghệ có ích cho cộng đồng, Trịnh Thanh Tùng đã trở thành gương mặt trẻ tiêu biểu, là niềm tự hào của sinh viên Bách Khoa Hà Nội nói riêng cũng như sinh viên Việt Nam nói chung. Tùng đã khá thành công với dự án SAFELUNG “cung cấp bộ thiết bị giúp cảnh báo các bệnh viêm phổi và ứng dụng hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2”. Thành công này đã mang đến lợi ích cho cộng đồng trong bối cảnh đang phải gồng mình chống dịch Covid-19.
Chàng trai đến từ Đất Mỏ (Quảng Ninh) – Trịnh Thanh Tùng sinh năm 1998 là sinh viên khóa K61, ngành Điện tử – Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Được đào tạo từ môi trường kỹ thuật có khối kiến thức tự nhiên khá nặng, nhưng Tùng đã tốt nghiệp sớm một kỳ với tấm bằng loại Giỏi cùng với rất nhiều thành tích nổi bật. Ngoài việc đam mê với bộ môn toán học, Tùng tham gia rất nhiều cuộc thi về công nghệ cũng như nhận được các giải thưởng ở địa phương.
Một cuộc trò truyện khá thú vị, cởi mở, vui vẻ, và chia sẽ rất chân thành đã khiến người ngồi đối diện hoàn toàn bị thu hút bởi chàng trai Đất Mỏ đam mê khoa học.
- Bách Khoa là cái tên rất hot đối với bất kỳ chàng trai nào khi tốt nghiệp THPT. Với Tùng, Bách Khoa có sức hút như thế nào?
- Với mình, ĐH Bách Khoa Hà Nội là trường kỹ thuật hàng đầu, một nơi để học đúng với đam mê công nghệ kỹ thuật của mình, dù lúc đó mình đã đỗ vài trường khác nhưng Bách Khoa là sự lựa chọn đầu tiên mà mình hướng đến. Vào Bách Khoa rồi càng thấy hợp với bản thân mình hơn mọi trường khác.
- Với Tùng thì “người chọn nghề”, hay “nghề chọn người?” Ý mình là bạn chọn Điện tử – Viễn thông, hay ngành này chọn bạn?
- Khoá K61 có năm nhất học với các bạn cùng nhóm ngành, sang năm hai mới về các Viện. Năm nhất, mình học khá tốt, điểm cũng khá cao so mặt bằng. Nhưng mình không để ý đến những ngành khác như Tự Động Hoá, mình xác định chọn ngành Điện tử – Viễn thông từ khi mình chọn học Bách Khoa rồi và mình đã xác định phấn đấu làm ở Viettel luôn rồi.
- Được biết là Bạn đã có định hướng phấn đấu làm ở Viettel trước khi vào học ĐH. Động lực nào để bạn vươn tới môi trường làm việc đầy triển vọng như vậy?
- Đúng vậy, lúc đó mình đã biết đến Viettel và đã xác định phấn đấu làm ở Viettel rồi, mình đã hứa với bố mẹ rằng sẽ phấn đấu làm ở Viettel trước khi vào Bách Khoa nên mình đã xác định học ngành Điện tử – Viễn thông.
- Rất nhiều bạn tò mò là cơ duyên nào đã đưa bạn đến với Dự án SAFELUNG?
- Bạn thấy dự án liên quan nhiều đến Y Sinh đúng không? Từ cái tên đến chức năng, ý nghĩa của dự án. Nhưng thật ra mình học chuyên ngành Viễn thông. Mình là kỹ sư xử lý tín hiệu và mình đã làm rất nhiều về xử lý tín hiệu. Đề tài này đến với mình rất ngẫu nhiên thôi.
- Mọi sự ngẫu nhiên luôn luôn mang đến những điều hay ho và thành công bất ngờ. Bạn có thể kể chút về sự ngẫu nhiên mà đề tài này đến với bạn chứ?
- Được chứ, vì mình làm nhiều về xử lý tín hiệu nên mình đã chọn môn Xử lý tín hiệu Y Sinh số của thầy Kiên (Ts. Nguyễn Phan Kiên) làm môn tự chọn kỹ sư. Thầy đã giao cho nhóm mình đề tài “Tìm ra phương pháp trong đợt dịch để chống Covid-19”. Nhóm mình họp lại đề ra sẽ tìm một phương pháp sử dụng thiết bị để thu âm thanh rồi xử lý tín hiệu. Sau đó thầy Vũ (Ts. Trần Anh Vũ) có nghe nhóm mình báo cáo nên đã góp ý để phát triển đề tài này thêm và từ đó mình tham gia lab thầy Vũ. Thầy Vũ đã góp ý, chỉ dẫn mình rất tận tình để phát triển dự án này tiến đến thực tế hơn.
- Chương trình học của Bách Khoa căng như vậy, Bạn tham gia lab nghiên cứu từ lúc nào?
- Mình tham gia lab từ đầu năm hai. Mình cũng tham gia 2 lab trước khi tham gia lab thầy Vũ. Tham gia các lab sẽ được thầy cô dạy cho rất nhiều thứ. Các bạn cũng nên tham gia các lab để có ý thức học tập nghiên cứu nghiêm túc hơn và được mở mang tầm mắt về các lĩnh vực, các ngành nghề, được thử sức với dự án thực tế và có sự góp ý, hướng dẫn từ các thầy cô.
- Bách Khoa – nghe đã thấy có sự khổ luyện chữ nghĩa. Vậy, Tùng đã cảm nhận và trải qua sự khổ luyện đó như thế nào?
- Ngay từ khi học ĐH, mình đã sốc với cách dạy học ở trường ĐH. Ngay buổi đầu tiên học Giải tích I thầy đã viết kín 6 bảng, trong 2 buổi đầu học xong hết 2 chương. Mình khá sốc, kiểu không tin tưởng bản thân, vì cấp 3 mình học khá là tốt. Từ đó mình chăm chỉ tối ngồi học giải tích. Và kết quả điểm thi đã nói lên những cố gắng của mình. Còn về khó khăn, ngay từ lúc lên học ĐH, mình đã nói với bố mẹ sẽ không xin tiền của bố mẹ, vì thế mình đã đi làm thêm từ sớm để kiếm tiền. Thế nên mình áp lực từ học hành đến đi làm thêm.
- Thông tin rất ấn tượng là bạn đã góp mặt 4 lần liên tiếp trong học bổng năng lượng tương lai AES, vậy chàng trai của chúng ta sẽ chinh phục những đỉnh núi cao nào nữa?
- Thật ra mình chỉ tham gia học bổng năng lượng tương lai AES thôi. Và mình đi xuyên suốt học bổng này luôn. Mình thấy từ học bổng này mình học được rất là nhiều. AES có một đặc điểm mà không phải học bổng nào cũng có. AES đào tạo cả kỹ năng mềm, cho mình đi thăm quan khắp nơi, trải nghiệm nơi họ làm việc. AES như là ngôi nhà thứ 2 của mình khi học Bách Khoa vậy. Tham gia AES mình đã cải thiện được kỹ năng mềm, giúp mình tự tin tham gia các cuộc thi khởi nghiệp.
- Thực tế có rất nhiều bạn sinh viên được mệnh danh là “cao thủ săn giải thưởng”. Tùng có nghĩ mình nằm trong số đó không?
- Thật ra, mình là chủ sáng lập 1 cộng đồng khởi nghiệp nhỏ ở tỉnh và gần đây nhất là cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam VSIC năm 2020 và cũng là giải thưởng cao nhất mình đã dành được. Đây là một chương trình khá uy tín, liên quan đến lĩnh vực kinh doanh – khởi nghiệp – sáng tạo.
- Bạn đã từng viết báo nghiên cứu khoa học chưa?
- Mình có, Mình cùng bạn Huyền dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Vũ đã hoàn thành bài báo nghiên cứu khoa học đầu tiên về xử lý tín hiệu âm thanh phổi trong hội nghị quốc tế ICISN 2021.
- Được biết bạn tham gia chương trình cuộc thi khởi nghiệp “Thử Thách Sáng Tạo Xã Hội Việt Nam” với vai trò là trường nhóm ALOHA với dự án SAFELUNG. Vai trò cụ thể của Tùng ra sao?
- Trong 3 người có mình mình là sinh viên Bách Khoa thôi. Hai người còn lại có một người học Kinh Tế Quốc Dân và một người học FPT. Vì đây là một chương trình khởi nghiệp mang tính công nghệ, nên mình cần hai đồng đội có tầm hiểu biết về kinh doanh và marketing, còn mình sẽ lo về phần kỹ thuật.
- Người ta thường nói tới đam mê trong một số lĩnh vực nào đó. Với Tùng, điều gì đã gợi mở bạn tham gia nghiên cứu?
- Lý do chính là vì mình hứa với mẹ mình. Mình rất tôn trọng lời hứa của mình. Mình đã hứa với mẹ mình sẽ làm được cái gì đó thực tế, đóng góp cho đợt dịch này. Nên mình đã chọn một đề tài có tính đóng góp cho xã hội.
- Vạn sự khởi đầu nan. Nhất là trong lĩnh lực nguyên cứu khoa học. Điều gì làm khó bạn nhất trong những nghiên cứu của mình?
- Thứ nhất, học và hiểu về giải phẫu về cơ thể người, đặc biệt là phổi: cấu tạo phổi, nghe âm thanh của phổi cần nghe ở những vị trí nào, các đối tượng hay bị bệnh phổi là những đối tượng nào… Tham khảo tư vấn từ bác sỹ chuyên về phổi và giảng viên đại học Y để tiến hành đưa ra quy trình cho sản phẩm.
- Thứ hai, giai đoạn làm phần cứng và làm app mô phỏng là khó khăn nhất. Mình phải học qua hết các kiến thức phần cứng và phần mềm app. Rồi phải tự nghĩ ra một phần mềm mới hẳn áp dụng vào dự án.
- Thứ ba, cố gắng làm ống nghe tim phổi. Nhưng ống nghe độ nhậy thu lúc đầu rất kém. Vì vậy mình đã qua bv Bạch Mai hỏi hết các loại ống nghe và lặp thử từng cái để tìm ra ống nghe có độ nhạy tín hiệu tốt. Ngày đó làm gì có nhiều tiền đâu, mà ổng nghe rất đắt nên phải chọn lựa thật kỹ. Thế là chọn được ống nghe phụ hợp nhất với dự án.
- Thứ tư, vì mình không học về kinh tế cho nên mình gần như không biết chút gì cả. Chương trình có đào tạo nên mình đã mở mang được tầm kiến thức kinh doanh khởi nghiệp. Nhờ đó mình tìm hiểu về quá trình các công ty startup khởi nghiệp. Đây cũng chính là bước ngoặt lớn nhất của mình khi mình biết được cách họ kinh doanh. Gần như là mình có thể làm chủ được toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm, rồi kinh doanh một sản phẩm như thế nào,…
- Bản thân mình nhận thấy, tham gia cuộc thi như được trau dồi kiến thức: khó khăn từ đấy, trưởng thành từ đấy.
- Trong câu chuyện của mình bạn luôn nhân mạnh tới những chỉ dẫn của giảng viên hướng dẫn. Vậy các thầy đã đồng hành cùng bạn như thế nào cả trong bài báo nghiên cứu khoa học và dự án SAFELUNG?
- Thầy [Vũ] góp ý cho mình rất nhiều thứ. Bởi vì, lần đầu, mình chỉ xử lý tín hiệu trên miền tần số mà chỉ xử lý trên miền tần số thôi thì không thể đủ chính xác được. Đợt đấy thầy đã phân tích, định hướng khiến mình tăng động lực để cố gắng tìm ra phương pháp mới. Mình và nhóm mình tiến hành tìm đọc những bài báo chuyên sâu hơn và tham khảo nhiều phương pháp nhưng mỗi phương pháp đều có chỗ không được tốt vì vậy mình và nhóm mình đã tìm ra phương pháp riêng dựa vào các phương pháp đó để đưa ra phương pháp tốt nhất.
- Lúc mình tham gia thi, mình cũng phải tham khảo ý kiến của thầy rất là nhiều. Thầy khuyên mình là ra sản phẩm nhỏ giúp cảnh báo bệnh phổi. Nên mình đã tạo nên dự án SAFELUNG.
- Thêm kế hoạch tiếp theo, bạn có học tiếp không? Học theo ngành gì?
- Mình vẫn đang cân nhắc thôi. Mình vẫn chưa có ý định chính xác nào cả.
- Nếu được chọn lại bạn có chọn Bách Khoa, viện Điện tử – Viễn thông, theo hướng Kỹ thuật Y Sinh hay không?
- Nếu được chọn lại mình vẫn sẽ chọn Bách Khoa, vẫn chọn Điện tử – Viễn thông nhưng mình lại muốn học hết tất cả các kiến thức chuyên ngành của Điện tử – Viễn thông. Vì với mình, điện tử để làm sản phẩm phần cứng, viễn thông để xử lý tín hiệu và y sinh để hiểu về giải phẩu cơ thể người, áp dụng kiến thức cho y tế. Đó là lý do SAFELUNG mới ra đời.
- Nếu được để lại một lời khuyên cho các sinh viên khoá sau để có thể đạt được kết quả tốt thì lời khuyên đó là gì?
- Mình muốn để lại lời khuyên như thế này: “Cứ học những cái gì các em thích. Đam mê cái gì chọn cái đấy”
Đây đúng là cả một sự nỗ lực, đúng như câu “Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Việc học tập, làm việc vầ nghiên cứu là cả một quá trình. Chàng trai Điện tử – Viễn thông này là một trong những tấm gương tiêu biểu cho chính các bạn đã, đang và sẽ theo học ngành Điện tử – Viễn thông. Muốn học giỏi, hiểu bản chất, các bạn hãy cố gắng từ bây giờ, từ ngay những môn cốt lỗi, môn cơ sở ngành nhé! Chưa bao giờ là muộn cả chỉ cần mình luôn phấn đấu, nỗ lực hướng về mục tiêu.
Cảm ơn Tùng đã có buổi nói chuyện, chia sẻ về quá trình học tập, những khó khăn gặp phải khi học Bách Khoa Hà Nội; về quá trình nghiên cứu như thế nào, gặp những trở ngại gì, được thầy góp ý hướng dẫn như nào và đã phấn đấu ra sao. Tùng đã để lại những ý nghĩa, những bài học và đặc biệt đã để lại lời khuyên đúc kết từ một người đã trải qua năm tháng sinh viên, vừa học vừa làm, và có giải thưởng cao. Các bạn hãy đọc và ngẫm rồi đưa ra cho mình các mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện nó luôn và ngay đi nhé!
Phỏng vấn: Trương Thị Sáng- KTYS K62