Chuyển đổi số y tế cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp

Đạt được kết quả ban đầu đáng khích lệ, chuyển đổi số toàn diện ngành y tế còn nhiều khó khăn, đòi hỏi thêm nguồn lực công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI.

Đại dịch Covid-19 đã “tấn công” mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế – xã hội trên toàn cầu, biến 2020 thành năm khó khăn, thử thách chưa từng có đối với toàn thế giới.

Tuy nhiên cũng trong đại dịch, Việt Nam nổi lên như một ngoại lệ, vừa chống dịch Covid-19 tốt, vừa tăng trưởng kinh tế. Thành công này có được từ những quyết sách đúng đắn của Chính phủ về đấu tranh chống dịch bệnh, cũng như nỗ lực tổ chức thực hiện chính xác những quyết sách đó của ngành y tế.

Tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 là cú hích trăm năm, nhất là đối với ngành y tế. Năm vừa qua, ngành y tế đã có những thay đổi về chuyển đổi số (CĐS) nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó”.

DrAid anh 1
Hội nghị CĐS y tế quốc gia được tổ chức vào cuối năm 2020.

Theo đại diện Bộ Y tế, trong phòng chống Covid-19, công nghệ thông tin đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn Covid-19. Bộ cũng đã đưa phần mềm DrAid ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng điều trị Covid-19 khi dịch bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết công cuộc chuyển đổi số của ngành bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ: 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Bước đầu, bộ đã công khai trên 62.000 dược phẩm, hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, con đường chuyển đổi số toàn diện ngành y tế còn rất dài và nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nguồn lực công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực y tế chưa nhiều, do đây là lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, khó tiếp cận và thay đổi thói quen người dùng. Trong khi đó, hành lang pháp lý về thu nhận, phân tích và chia sẻ cơ sở dữ liệu vẫn còn chưa rõ ràng.

Ở một góc nhìn khác, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi và tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ trong y tế. Đó là sự quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ, sự đa dạng về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của gần 100 triệu dân, với hạ tầng thông tin Internet, đám mây ổn định và chi dùng cho y tế tăng lên nhanh chóng. Việc giải quyết bài toán cho thị trường Việt Nam cũng sẽ là tiền đề để doanh nghiệp mở rộng ra các nước khác trên thế giới.

DrAid anh 2
Ông Trương Quốc Hùng – Tổng giám đốc VinBrain – chia sẻ tại buổi họp báo “Chương trình Chuyển đổi số y tế quốc gia”.

Hiện nay, trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế, những tên tuổi lớn chủ yếu là các tập đoàn có nguồn lực mạnh về nhân lực và tài chính như Vingroup. Tập đoàn Vingroup liên tục đầu tư vào ngành y tế. Từ năm 2019, khi thực hiện chuyển đổi thành tập đoàn công nghiệp – công nghệ, hướng đến làm chủ các quy trình, chuỗi giá trị, Vingroup đã mở rộng đầu tư vào y tế số.

VinBrain thành lập ngày 25/4/2019, là công ty con đầu tiên của Vingroup nhập cuộc. Với sản phẩm DrAid – phần mềm trợ lý bác sĩ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ra mắt thị trường vào 14/6/2020, VinBrain trở thành một trong những công ty công nghệ đầu tiên ở Việt Nam ra mắt sản phẩm AI cho y tế hoàn chỉnh.

DrAid là sản phẩm AI hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các dấu hiệu bệnh lý tim – phổi – xương dựa trên hình ảnh X-quang ngực thẳng. Sản phẩm đã được triển khai tới nhiều bệnh viện, phòng khám trên toàn quốc, giúp các bác sĩ đẩy nhanh tốc độ và hạn chế sai sót trong chẩn đoán bệnh, mang đến những thay đổi tích cực cho bệnh nhân, đồng thời giúp đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong y tế.

DrAid anh 3
Giao diện DrAid.

“Để hàng trăm nghìn bác sĩ có thể chẩn đoán hình ảnh chính xác là điều không dễ, và không khả thi. Với DrAid, một bác sĩ ở huyện cũng có thể chẩn đoán hình ảnh chính xác. Người bệnh không phải lên Hà Nội, 2-3 người đi theo tốn kém và làm nghẽn các tuyến trên”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020.

DrAid hiện có khả năng chẩn đoán 19 dấu hiệu bệnh lý tim – phổi – xương với độ chính xác trên 88%; tự động đưa ra báo cáo y tế với bản đồ nhiệt và kích thước khu vực tổn thương; chỉnh sửa báo cáo y tế bằng giọng nói (tiếng Việt) với tỷ lệ lỗi WER chỉ 8,93%.

DrAid cũng được trao giải nhì ở hạng mục “Giải pháp số xuất sắc” tại lễ trao giải thưởng quốc gia “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2020” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Sự vào cuộc của nhiều hơn nữa các doanh nghiệp công nghệ trong y tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số y tế nâng cao chất lượng và tầm vóc nền y tế Việt Nam.

error: Content is protected !!