Giới thiệu ngành Kỹ thuật Y sinh tại trường ĐH Bách Khoa Hà nội

Được đánh giá là một trong những ngành “HOT” nhất trong thế kỷ 21, ngành Kỹ thuật Y sinh tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội bắt đầu hình thành từ năm 1999 do nhu cầu phát triển của xã hội. Chuyên ngành đã xây dựng được một mô hình đào tạo mới tại Việt Nam về lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh, có sự tham khảo của các mô hình đào tạo tiên tiến của nhiều nước trên thế giới. Trong mô hình này, sinh viên được đào tạo khối kiến thức cơ bản theo chương trình đại cương của Trường Đại học Bách khoa Hà nội, sau đó chuyển sang đào tạo về chuyên ngành gồm kiến thức cơ sở của ngành Điện tử viễn thông như Kỹ thuật mạch điện tử, Kỹ thuật số, Kỹ thuật vi xử lý, Cấu kiện điện tử, Đo lường và điều khiển tự động… và Công nghệ thông tin như Ngôn ngữ lập trình, Kỹ thuật phần mềm, Cơ sở dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, Cấu trúc máy tính, Mạng máy tính…. Tiếp đến là khối kiến thức chuyên ngành về Kỹ thuật Y sinh gồm các lĩnh vực: Cơ sở điện sinh học, Mạch xử lý tín hiệu y sinh, Công nghệ chẩn đoán hình ảnh trong y tế, Cảm biến và kỹ thuật đo lường y sinh, Y học hạt nhân và kỹ thuật xạ trị, Mạng thông tin y tế và các chuẩn dùng trong mạng, Thiết bị điện tử y tế, Xử lý ảnh y tế, An toàn bức xạ và an toàn điện trong y tế, Thiết kế thiết bị y tế…

Trong quá trình đào tạo, sinh viên đồng thời được thực tập tại phòng thí nghiệm chuyên ngành tại trường, kết hợp với việc tham quan và thực tập tại các bệnh viện, viện nghiên cứu và các cơ sở y tế lớn tại Hà Nội, trao đổi với các Giáo sư và sinh viên nước ngoài sang làm việc và học tập tại Việt Nam. Song song với quá trình học tập, sinh viên còn được tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô trong ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng triển khai tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, đem lại nhiều hiệu quả trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho nhân dân. Với phương pháp và nội dung đào tạo này, chương trình đào tạo Kỹ thuật Y sinh đã phát huy được hiệu quả đào tạo cao, sinh viên khi ra trường được trang bị đầy đủ cả về lý thuyết và thực tiễn của chuyên ngành nên có thể đáp ứng nhanh với các yêu cầu của xã hội.

Theo số liệu thống kê từ những cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh cho thấy, các kỹ sư Kỹ thuật Y sinh rất dễ dàng có được cơ hội làm việc tại các tập đoàn về lĩnh vực y tế mạnh trên thế giới cũng như tại Việt nam như: Tập đoàn GE – Mỹ, tập đoàn Siemens – Đức, tập đoàn Hitachi – Nhật Bản, tập đoàn Abbott – Mỹ, tập đoàn Philips – Hà Lan, tập đoàn Shimazu – Nhật Bản, tập đoàn Roche – Thụy Sỹ, tập đoàn Bayer – Đức, tập đoàn Gambro – Thụy Điển, Nihonkohden – Nhật Bản, Aloka – Nhật Bản, Biotronik – Mỹ, Kodak – Nhật Bản… Ngoài ra, kỹ sư ngành Kỹ thuật Y sinh sẽ là những cán bộ chủ chốt trong việc quản lý trang thiết bị tại các Bệnh viện, các cơ sở y tế, các công ty kinh doanh trang thiết bị y tế, các công ty điện tử viễn thông, phần mềm ứng dụng trong y tế hiện đang rất phát triển tại Việt Nam hiện nay.

Quá trình hình thành và phát triển:

Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển thì trang thiết bị y tế cũng được đầu tư ngày càng nhiều đặc biệt là những thiết bị công nghệ cao như: máy chụp cắt lớp điện toán (CT), máy cộng hưởng từ, máy siêu âm 3D, 4D, các hệ thống xét nghiệm tự động, các thiết bị nội soi, các thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số, các thiết bị xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính… cũng như ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực y học như: hệ thống lưu trữ và truyền ảnh y tế, y tế từ xa, mạng bệnh viện, bệnh án số, bệnh viện số…. đã và đang được trang bị để đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn bệnh viện, trung tâm y tế và thúc đẩy quá trình nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh từ các công ty trong và ngoài nước tại Việt Nam về lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực này gần như chưa có. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành chính sách Quốc gia về phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế từ năm 2002. Trước tình hình đó, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên mở ngành đào tạo về lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh từ năm 1999. Trực tiếp chỉ đạo xây dựng ngành Kỹ thuật Y sinh tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội khi đó gồm các đồng chí:

  • GS.TS. Hoàng Văn Phong – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội;
  • PGS.TS. Trần Quốc Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội;
  • GS. TS. Hoàng Bá Chư – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội;
  • PGS.TS. Nguyễn Cảnh Lương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội;
  • GS.TS. Nguyễn Đức Thuận – Trưởng Phòng KHCN, Trưởng Bộ môn CN điện tử và Kỹ thuật y sinh;
  • PGS.TS. Lê Ngọc Trọng – Thứ Trưởng Bộ Y tế;
  • ThS. Dương Văn Tỉnh – Vụ Trưởng Vụ TTB&CT y tế, Bộ Y tế;
  • Ông Nguyễn Xuân Bình – Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam và
  • Ông Hà Đắc Biên – Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam.

Do định hướng tập trung đào tạo dựa theo nền tảng Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin nên sinh viên học tập tại ngành này được lấy từ Viện Điện tử Viễn thông. Sau khi học xong các môn cơ sở ngành thuộc Viện Điện tử Viễn thông, sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh. Cho tới nay, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo được 9 khóa, với tổng số gần 400 kỹ sư Kỹ thuật Y sinh đã ra trường. Tất cả đều đang tiếp tục nghiên cứu hoặc làm việc theo đúng chuyên môn tại các công ty sản xuất kinh doanh về trang thiết bị y tế, các bệnh viện, các Trường ĐH và các viện nghiên cứu. Hiện tại, ngành Kỹ thuật y sinh tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đang đào tạo và cấp bằng cho các hệ chính quy sau:

  • Đại học chính quy ngành Kỹ thuật y sinh: 40-50 sinh viên/năm. Bằng Kỹ sư Kỹ thuật y sinh
  • Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật y sinh: 30 sinh viên/năm. Bằng Kỹ sư CTTT Kỹ thuật y sinh
  • Thạc sỹ ngành Kỹ thuật y sinh: 10-15 học viên/năm. Bằng Thạc sỹ Kỹ thuật y sinh
  • Tiến sỹ ngành Kỹ thuật y sinh (đang trình xin mã ngành Kỹ thuật y sinh): 5 nghiên cứu sinh/năm. Bằng Tiến sỹ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

error: Content is protected !!